Diễn biến Chiến_dịch_Vilnius

Vượt qua Molodechno

Trong Chiến dịch Minsk, Tập đoàn quân 31 đã tiếp cận Molodechno nhưng chưa thể đánh chiếm được đầu mối đường sắt quan trọng này. Tàn quân của Quân đoàn xe tăng 39 (Đức) rút về đây cùng với các đơn vị bảo vệ hâu cứ của Cụm tập đoàn quân Trung tâm, trong đó cụm quân SS của tướng Curt von Gottberg và hai tiểu đoàn của Lữ đoàn Kaminsky đã biến ngã tư đường sắt quan trọng này thành một cụm phòng thủ khá mạnh. Tuy nhiên, đến ngày 5 tháng 7, khi chủ lực Tập đoàn quân xe tăng 5 (Liên Xô) bắt đầu nổ súng tấn công thì cụm phòng thủ này cũng tan rã nhanh chóng như các vị trí phòng thủ khác của quân đội Đức Quốc xã trước đó một tuần. Chỉ có hai tiểu đoàn quân R.O.N.A. của Bronislav Kaminski cố chống cự trong nhà ga Molodechno. Chiều ngày 5 tháng 7, khi Quân đoàn cơ giới cận vệ 3 (Liên Xô) mở cuộc tổng công kích vào nhà ga, hai tiểu đoàn này nhanh chóng tan rã. Phần lớn bị bắt làm tù binh, một phần tháo chạy theo đường bộ về Vilinius nơi có hai tiểu đoàn còn lại của Lữ đoàn Kaminsky đang đóng quân.[17]

Sau khi làm chủ Molodechno, Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 3 (Liên Xô) nhanh chóng vận động theo đường bộ và đường sắt về Vilnius. Ngày 7 tháng 7, Quân đoàn cơ giới cận vệ 3 đánh chiếm Smorgoy (Smarhon). Buổi chiều cùng ngày, Quân đoàn xe tăng cận vệ 3 đánh chiếm Otmyany (Ashmyany). Đến trưa ngày 8 tháng 7, các đơn vị này đã có mặt ở ngoại ô Đông Nam Vilnius. Con đường đến Vilnius của Tập đoàn quân 5 phải băng qua một dải đầm lầy xen lẫn rừng thưa trên khu vực phía Nam hồ Naroch. Mặc dù không có các phương tiện cơ giới mạnh nhưng sau khi đánh bại các nhóm quân trắc vệ mỏng yếu gồm tàn quân của Tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức), Tập đoàn quân 5 đã mau chóng vượt sông Vilya. Ngày 6 tháng 7, họ đánh chiếm các thị trấn Ostovets (Astravets), Mikhailishky (Michaliski) và Svyr (Svir). Trưa ngày 8 tháng 7, Tập đoàn quân 5 đã có mặt ở vùng phụ cận Đông Bắc Vilnius.[18]

Không để mất thời gian, chiều ngày 8 tháng 7, tướng I. D. Chernyakhovsky triển khai ngay hai mũi tấn công vu hồi. Tập đoàn quân 5 và Quân đoàn kỵ binh cận vệ 3 cơ động lên phía Bắc Vilnius, đánh chiếm cứ điểm Syogala (???), cắt đứt đường sắt Vilnius - Daugavpins, hình thành vòng vây phía Tây Bắc Vilnius. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 điều Quân đoàn xe tăng 29 vòng sang phía Tây Nam Vilnius, cắt đứt tất cả các đường sắt Vilnius - Lida, Vilnius - Grodno và Vilnius - Kaunas. Quân đoàn xe tăng cận vệ 3 chốt chặt phía Đông Vilnius. Trước khi trời tối, các đơn vị của Quân đoàn xe tăng 29 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 3 đã gặp nhau ở bờ sông Vilya phía Tây Bắc Vilnius, hình thành vòng vây quanh 15.000 quân Đức tại khu phòng thủ Vilnius.[11]

Các hoạt động không kích

Các tướng Đức Gerhard Matzky và Rainer Stahel không ngờ quân đội Liên Xô lại có mặt ở Vilnius rất nhanh chóng. Tuy nhiên, dựa vào các công sự và các tòa nhà kiên cố, các đơn vị thuộc Quân đoàn 26, Cụm phòng thủ Vilnius và tàn quân của Tập đoàn quân 4 (Đức) nắm trong tay 320 khẩu pháo các cỡ, 430 súng cối và vài chục xe tăng, xe bọc thép vẫn chống trả kịch liệt. Để nhanh chóng thanh toán cụm quân Đức, đại tướng I. D. Chernyakhovsky đã yêu cầu Tập đoàn quân không quân 1 do thượng tướng T. T. Khryukin chỉ huy can thiệp.

Từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 7 năm 163 máy bay ném bom bổ nhào Pe-2 và 51 máy bay tấn công mặt đất IL-2 đã liên tục dội bom và bắn phá xuống các vị trí phòng ngự của quân Đức xung quanh Vilinius. Ngày 8 tháng 7, không quân Đức cũng điều 5 tốp 15 chiếc Ju-87, 24 chiếc Me-109 và 12 chiếc Fw-190 từ sân bay Paneryai gần thành phố và từ các sân bay ở Đông Phổ sang phản kích. Cũng như ở Bobruysk trước đó 2 tuần, số máy bay ít ỏi này không thể lọt qua hàng rào máy bay tiêm kích đông tới trên 100 chiếc của Quân đoàn không quân tiêm kích cận vệ 1 (Liên Xô). Ngay trong ngày 9 tháng 7, 6 chiếc Ju-87 và 9 chiếc Me-109 bị hạ. Từ ngày 9 tháng 7, không quân Đức giảm dần số lượng máy bay trên vùng trời Vilnius nhưng vẫn bị thiệt hại nặng. Trong cả chiến dịch, có 38 máy bay các loại của không quân Đức bị bắn rơi. Chiến dịch không kích đã phá hủy nhiều công trình phòng thủ, các xe tăng Đức và làm suy yếu dáng kể hệ thống phòng thủ của quân Đức quanh Vilnius.[19]

Các trận tác chiến đường không của Tập đoàn quân không quân 1 không những đã gây thiệt hại nặng nề cho cụm quân Đức phòng thủ tại Vilnius mà còn bẻ gãy âm mưu tẩu thoát của một số chỉ huy Đức đang bị vây hãm tại Vilnius. Ngày 10 tháng 7, sân bay Paneryai, sân bay duy nhất của Tây Nam Vilnius rơi vào tay Quân đoàn xe tăng cận vệ 3. Đêm 10 tháng 7, tướng Georg-Hans Reinhardt cho một trung đoàn biệt kích dù đổ bộ xuống khu rừng Pogrudas cách thành phố 6 km về phía Tây nhằm mở một đường thoát cho cụm quân Đức bị vây theo sông Vilya nhưng không thành công. Phát hiện quân Đức tổ chức đổ bộ, các máy bay ném bom ban đêm của Sư đoàn 213 (Liên Xô) đã chuyển nhiệm vụ ném bom sang nhiệm vụ tấn công các máy bay vận tải Đức. 2 chiếc He-111 và 1 chiếc Ju-52 bị hạ chôn theo ba trung đội lính dù Đức. Số quân dù xuống đến mặt đất cũng không thể tập trung được lực lượng trước các loạt pháo kích của Lữ đoàn lựu pháo 139. Sáng ngày 11 tháng 7, trung đoàn pháo tự hành 957 và Sư đoàn bộ binh 251 được điều đến khu vực tác chiến. Phần lớn số quân dù Đức bị tiêu diệt, số còn lại bị bắt. Chỉ có một số nhóm nhỏ cướp thuyền bơi theo sông Vilya về phía Tây.[20]

Giải phóng Vinius

Phố Geležinkelio ở Vilnius đổ nát sau trận đánh

Trong các cuộc không kích của Tập đoàn quân không quân 1 (Liên Xô) diễn ra xung quanh Vilnius thì trên mặt đất, các trận tấn công bằng xe tăng, bộ binh và pháo binh của Phương diện quân Byelorussya 3 vẫn tiếp tục. Ngày 8 tháng 7, Lữ đoàn xe tăng cận vệ 35 thử mở một cuộc đột kích dọc theo đường sắt Glubokoys - Vilnius vào ngoại ô thành phố. Cụm phòng thủ Vilnius trên hướng này đã tổ chức phản kích bằng Sư đoàn bộ binh 390, Cụm tác chiến Sư đoàn bộ binh 87 và Lữ đoàn xe tăng xung kích Von Werthern, có pháo chống tăng của Sư đoàn bộ binh 56 yểm hộ. Chiều ngày 8 tháng 7, quân Đức đánh bật Lữ đoàn xe tăn cận vệ 35 về tuyến xuất phát.

Ngày 9 tháng 7, sau khi hình thành vòng vây quanh Vilnius, Quân đoàn xe tăng cận vệ 3 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 3 bắt đầu tấn công từ nhiều phía vào thành phố. Tướng Rainer Stahel và tướng Hans Bergen tập trung quân về phía Tây Vilnius, định mở đường máu rút chạy theo hướng sông Vilya nhưng bất thành, Quân đoàn xe tăng 29 và Quân đoàn bộ binh cận vệ 8 (Liên Xô) đã chặn đứng cuộc đột kích này, dồn quân Đức trở lại Vilnius. Ngày 10 tháng 7, quân Đức trong thành phố tập trung Sư đoàn bộ binh 56, 252 và 549, 1 trung đoàn bộ binh mô tô, 15 xe tăng và pháo tự hành nống ra khu vực từ Mayshogaly đến phía tây Vievis nhưng mọi nỗ lực phá vây của quân Đức một lần nữa bị Quân đoàn xe tăng 29 và Quân đoàn bộ binh cận vệ 8 vô hiệu hóa. Đến cuối ngày 10 tháng 9, quân đội Liên Xô đã làm chủ phần phía Tây Bắc thành phố và bắt đầu vượt sông Vilya tiến vào khu phố cổ.

Quân đội Liên Xô và quân đội Ba Lan thuộc Quân đoàn Armia Krajowa (AK) đang tuần tra trên đường phố Vilnius.

Nhận thấy mọi nỗ lực phá vây đều thất bại, tướng Rainer Stahel ra lệnh cho các sư đoàn chia thành các nhóm nhỏ, cố mở các trận đột kích ra các hướng để một trong số các nhóm đó có thể thoát được. Bản thân tướng Rainer Stahel cùng với Ban tham mưu Quân đoàn bộ binh 6 cũng rời Vilnius. Ngày 11 tháng 7, quân đội Liên Xô chiếm được trung tâm khu phố cũ và kéo cờ đỏ lên tháp Gedimina, nơi cao nhất thành phố. Trong các trận đánh tại khu vực Lukishkes trên sông Vilya, pháo binh của Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 đã cố gắng ngăn chặn đường rút lui bất ngờ về phía Tây Bắc của quân Đức nhưng vẫn có khoảng gần 3.000 sĩ quan và binh lính Đức đã thoát vây trong khi Sư đoàn xe tăng 6 (Đức) đang triển khai tấn công Vievis. Số quân Đức lớn hơn co cụm phòng thủ trong khu rừng-công viên Vingis. Phần lớn quân Đức ở đây đã bị tiêu diệt, khoảng 5.000 người bị bắt làm tù binh. Ngày 13 tháng 7, các đơn vị NKVD tiến vào thành phố, phối hợp với các tiểu đoàn bộ binh mô tô của Tập đoàn quân xe tăng 5 dập tắt các ổ kháng cự lẻ tẻ của một số toán quân Đức còn sót lại.

Các hoạt động của quân đội Krayova (AK)

Hoạt động của Armia Armia Krajowa trong Chiến dịch Vilnius

Ngày 7 tháng 7, tại Vilnius lực lượng kháng chiến Ba Lan thuộc Quân đội Krayova (Armia Krajowa) dưới sự chỉ dạo của tướng Tadeusz Bor-Komorowski, người đứng đầu các tổ chức hoạt động bí mật Ba Lan thân Anh đã tiến hành khởi nghĩa ở Vilnius theo kế hoạch Chiến dịch "Cổng bình minh" (Ostra Brama) và Chiến dịch "Giông tố" (Akcja Burza) của quân đội Krajowa Ba Lan. Lực lượng này có quân số 5.500 người[2] do Aleksander Krzyżanowski chỉ huy đã tấn công thành phố. Từ ngày 6 tháng 7, 7 tiểu đoàn của đội quân này đã bị quân Đức kẹp vào giữa hai gọng kìm gồm Cụm quân Đức đóng ở điểm cao 223 ở phía Đông và các cụm quân Đức tại các điểm cao 162, 169 trên hai bờ sông Vileiya. Ngày 7 tháng 7, tiểu đoàn 2 thuộc cụm quân "Pohoreckiego" (Armia Krajowa) đã gặp gỡ với Lữ đoàn xe tăng 35 (Liên Xô). Khi quân đội Liên Xô kéo đến, quân Krajowa đã phối hợp với họ trong cuộc chiến thanh toán số quân Đức bị vây. Đến ngày 9 tháng 7, quân đội Liên Xô và quân AK Ba Lan đã đánh chiếm hầu hết các địa điểm trọng yếu của thành phố, bao gồm khu sân bay và ga xe lửa. Ngày 10 Tháng 7, Tiểu đoàn 2 Ba Lan vượt qua sông Vilia và tham gia vào các hoạt động tấn công quân Đức ở bên kia thành phố.[14] Tuy nhiên, quân đồn trú Đức vẫn tiếp tục chống cự kịch liệt. Chiến sĩ xe tăng Ion Lazaryevich Degen thuộc Lữ đoàn xe tăng 35 đã miêu tả một phần cuộc chiến thanh toán nhóm quân Đức trụ lại tại công viên Vingis như sau:

Và ba chiếc xe tăng của chúng tôi tiến qua các con phố mà không quan sát được nhau. Lữ đoàn trưởng phát hiện hai khẩu pháo của quân Đức. Cứ như chúng từ lỗ nẻ chui ra. Chúng tôi tập trung hỏa lực bắn vào chúng nhưng không đủ thời gian để diệt khẩu thứ hai. Một trong hai phát đạn của quân Đức đã trúng xích xe. Người lái xe cài số lùi và cho xe bò vào một khu vườn, với một băng xích bị hỏng. Thật quá may mắn, viên đạn chỉ làm hỏng con lăn phía trước xe và làm bung mấy cái chốt ở băng xích. Nhưng chúng tôi không thể tự xử lý được hư hại này mà đành phải ngồi chờ tốp thợ đến sửa chữa. Một xe khác đã tìm thấy chúng tôi. Tôi chui vào trong xe và được trưởng xe ra lệnh tổ chức phòng thủ vòng tròn trong chờ thợ sửa chữa đến.

Chiến đấu tại Vilnius cùng với quân đội Liên Xô còn có sự tham gia tích cực của những người yêu nước Ba Lan với các dải băng đỏ - trắng đeo trên tay (họ trực thuộc chính phủ Ba Lan lưu vong tại London) và một số lớn người Do Thái trong các đơn vị du kích đeo băng đỏ. Toán người Ba Lan đến chỗ chiếc xe tăng. Tôi nhảy ra khỏi xe và họ hỏi: "Có cần giúp đỡ gì không ?" Một chỉ huy, có vẻ như là đại tá bắt tay tôi và nói trong nước mắt rằng họ đã làm thế nào chống lại hỏa lực mạnh của quân Đức. Hóa ra một ngày trước đó, họ đã một mình chống lại quân Đức mà không có sự yểm hộ. Đó là lý do tại sao mà trung tướng (V. T. Obukhov) lại khen ngợi chúng tôi. Ngay lập tức, một trung úy chạy tới bảo rằng đã tìm thấy Ban chỉ huy tiểu đoàn của họ, chính là cấp trên của những người Ba Lan mà chúng tôi vừa nhìn thấy.

Chúng tôi tìm thấy người tiểu đoàn trưởng Ba Lan trong hầm, làm quen với anh ta và nhanh chóng tìm hiểu tình hình, nhiệm vụ của họ... Anh ta cho biết tiểu đoàn của mình chỉ có 17 người. Tôi mỉm cười: "Tốt thôi. Ba chiếc xe tăng còn được coi là một lữ đoàn thì tại sao 17 người lại không thành một tiểu đoàn được nhỉ !". Tiểu đoàn của họ chỉ có duy nhất một khẩu pháo 76 mm. Chúng tôi cũng chỉ còn lại hai viên đạn xuyên thép. Và chúng tôi cùng nhau tính toán xem sẽ đối phó với xe tăng Đức bằng cách nào.

Ngày hôm đó, chúng tôi cũng tìm thấy chiếc xe tăng thứ ba trong trung đội của mình do anh bạn đồng ngũ Vanya Solovyev chỉ huy. Thế mà ngày hôm sau, Solovyev bị đốt cháy cùng với cả kíp xe. Chúng tôi chôn các anh ngay trên con phố đó. Trong những năm '70, Aleksei Klopov, một trong các tiểu đoàn trưởng xe tăng của chúng tôi đã trở thành chỉ huy trưởng ủy ban quân sự của thành phố. Trung tá Klopov đã hết sức giúp đỡ chúng tôi tìm nơi chôn cất kíp xe của Solovyev nhưng không thấy huyệt mộ. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của Klopov, một đài kỷ niệm những người lính đã chết cho sự giải phóng Vilnius được dựng lên. Trên đó có khắc tên cả kíp xe của trung úy Ivan Solovyev

— Ion Lazaryevich Degen[21]

Cuộc phản công của quân Đức

Quân Đức không cam chịu mất Vilnius hay ít nhất cũng cứu vãn được phần nào cụm quân của tướng Rainer Stahel. Ngày 13 tháng 7 năm 1944, tướng Kurt von Tippelskirch phối hợp với tướng Georg-Hans Reinhardt tổ chức phản công vào phía Tây Bắc Vilnius. Với những lực lượng mới được tăng viện. Quân đoàn Đức chia làm hai cánh. Cánh quân phía Bắc sông Vilya do Sư đoàn xe tăng 5 làm chủ lực, có thêm Sư đoàn bộ binh 1 mới được điều từ Brody đến. Cánh quân phía Nam sông Vilya do Sư đoàn xe tăng 12 làm chủ lực, có sự tham gia của Cụm tác chiến H gồm tàn quân của các sư đoàn bộ binh 95, 197 và 256. Quân Đức có 150 xe tăng và pháo tự hành, khoảng hơn 400 pháo mặt đất, dự định tiến cong thành hai mũi dọc theo bờ Bắc và bờ Nam sông Vilya vào Vilnius.[19]

Phương diện quân Byelorussia 3 không bất ngờ trước chiến dịch phản công của quân Đức. Chiều 11 tháng 7, các cuộc chuyển quân của các sư đoàn xe tăng Đức lập tức bị các máy bay trinh sát của Tập đoàn quân không quân 1 phát hiện. Ngay buổi sáng 12 tháng 7, tướng I. D. Cherniakhov đã triển khai ba quân đoàn và pháo binh của các tập đoàn quân 5 và pháo binh trực thuộc phương diện quân ở phía Tây và Tây Bắc Vilnius. Quân đoàn xe tăng 29 được bố trí ở phía Tây Vilnius 10 km, trên bờ Nam sông Vilya. Phía sau quân đoàn này là Trung đoàn pháo nòng dài 261, Trung đoàn lựu pháo 696, Lữ đoàn pháo chống tăng cận vệ 16, Lữ đoàn súng cối 43, Trung đoàn súng cối 283 và Lữ đoàn Katyusha cận vệ 8. Trên bờ Bắc sông Vilya ở ngoại ô phía Tây Bắc thành phố do Quân đoàn bộ binh 72 trấn giữ, có Trung đoàn pháo nòng dài 70, các trung đoàn lựu pháo 208, 209 và 213, Trung đoàn pháo chống tăng 703, các trung đoàn súng cối 5, 11, 13. Ở phía Bắc Vilnius là Quân đoàn cơ giới cận vệ 3, Lữ đoàn 7 lựu pháo và Trung đoàn súng cối cận vệ 5.[20]

Mờ sáng ngày 13 tháng 7, quân Đức pháo kích vào các vị trí tiền tiêu của quân đội Liên Xô, sau đó thả khói mù che khuất tầm nhìn của pháo binh Liên Xô và bắt đầu tấn công. Trên cánh Bắc, Sư đoàn xe tăng 5 (Đức) hướng đòn tấn công vào Mayshagola (Maisiagala) đã gặp phải hỏa lực pháo chống tăng của các trung đoàn 703 và cận vệ 5. Các trung đoàn lựu pháo 208, 209 và 213 cũng dựng các màn đạn dày đặc cản đường tấn công của xe tăng Đức. Đến trưa, Sư đoàn xe tăng 5 (Đức) buộc phải dừng lại và gọi không quân hỗ trợ. Tuy nhiên, cũng giống như ở Vilnius trước đó mấy ngày, các máy bay tấn công mặt đất Ju-87 của không quân Đức vẫn bị các máy bay tiêm kích Yak-3La-5 của không quân Liên Xô bắn hạ trước khi kịp ném bom. Không có xe tăng yểm hộ, Sư đoàn bộ binh 1 (Đức) không dám tiến công. Trong suốt ngày 13 tháng 7, cánh quân phía Bắc của quan Đức không thể vượt lên dù chỉ còn cách ngoại ô Vilnius chưa đầy 10 km.[18]

Ở phía Nam sông Vilya, Sư đoàn xe tăng 12 (Đức) kéo theo Cụm tác chiến H cũng bắt đầu tấn công từ Vevis (Vievis) vào lúc mờ sáng. Đến trưa ngày 13 tháng 7, xe tăng Đức vượt qua Rykolty (Rykantai) và chỉ còn các ngoại ô phía Tây Vilnius 15 km. Tướng N. I. Krylov điều Trung đoàn pháo chống tăng cận vệ 2 từ phía Nam Vilnius tiến ra chặn kích. Quân đoàn xe tăng 29 cũng phối hợp tấn công tạt sườn phía Nam cánh quân xe tăng Đức đang tiến dọc theo sông Vilya. Cụm quân H gồm tàn quân từ 3 sư đoàn khác nhau với trang bị kém hơn đã không thể bảo vệ được bên sườn các xe tăng Đức. Chiều 13 tháng 7, Sư đoàn xe tăng 12 (Đức) bị chặn lại cách phía Đông Rykolty 6 km.[17]

Sáng 14 tháng 7, Tập đoàn quân 5, Quân đoàn xe tăng 29 và Quân đoàn cơ giới cận vệ 3 đồng loạt tổ chức tấn công. Pháo binh của Tập đoàn quân 5 (Liên Xô) đã gây thiệt hại nặng cho các sư đoàn xe tăng Đức. Hơn 60 xe tăng Đức bốc cháy nằm thành dãy trên hai bờ sông Vilia từ Mayshagola đến Ionava và từ ngoại ô Vilnius đến Vevis. Số còn lại vội vàng kéo quân vượt qua sông Niemen về Kaunas và Kedainyai. Trên đường rút quân, ngày 16 tháng 7, đoàn quân của Sư đoàn xe tăng 5 (Đức) còn hứng chịu một đòn tấn công nữa của Tập đoàn quân 39 từ dải tấn công của Phương diện quân Pribaltic 1 đánh vào sườn trái. Rất ít xe tăng Đức thoát được sang bờ Tây sông Niemen. Cuộc phản công của Tập đoàn quân 4 và một phần Tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức) vào Vilnius thất bại. Ngày 19 tháng 7, Tập đoàn quân 5 và cánh phải của Tập đoàn quân cận vệ 11 (Liên Xô) tiến ra sông Niemen trên tuyến Yonava - Priyenai. Phía bên kia sông đã là thành phố Kaunas.[20]

Giải phóng Lida

Trong chiến dịch Vilnius, hướng Lida được coi là hướng phụ cùng với hướng tấn công đến Alitus của Tập đoàn quân cận vệ 11. Binh lực của quân Đức trên hướng này chỉ còn lại vài trung đoàn SS bảo vệ hậu cứ, các đơn vị cảnh sát, các đơn vị hậu cần, vận tải cùng tàn quân Đức từ Minsk và Bobruysk kéo về. Trên hướng phụ công này, Tập đoàn quân 31 được giao nhiệm vụ chủ công. Tập đoàn quân cận vệ 11 chỉ tham gia giai đoạn 2 của chiến dịch cùng với Tập đoàn quân 33. Giống như tại các vùng Tây Ba Lan (cũ), trên hướng tấn công của họ đều có hoạt động của các đội du kích Liên Xô và Byelorussia xen lẫn với hoạt động của các lực lượng thuộc quân đội Krajowa.[22]

Các cuộc tấn công trong tuần đầu tiên của các Tập đoàn quân 31 diễn ra tương đối thuận lợi. Ngày 6 tháng 7, Quân đoàn bộ binh 71 đánh chiếm Volozhin (Valozyn), Quân đoàn bộ binh 113 đánh chiếm Ivenets (Ivianiec) và tiến ra thượng nguồn sông Niemen. Ngày 7 tháng 7, Lữ đoàn du kích 99 Byelorussya phát hiện một nhóm lớn tàn quân của Tập đoàn quân 9 Đức còn rơi rớt lại quanh khu vực Ivye (Iuje) đã tổ chức phòng ngự vòng trên tại khu rừng phía Tây Volozhin, trên biên giới giữa Byelorussia và Litva. Tại đây còn có cả tàn quân của Lữ đoàn Kaminsky, một đơn vị SS người Ba Lan khét tiếng tàn bạo. Quân đoàn bộ binh 36 (Tập đoàn quân 31) và Quân đoàn bộ binh cận vệ 8 (Tập đoàn quân cận vệ 11) được đưa đến thượng nguồn sông Niemen và bắt đàu chiến dịch tảo thanh. Phải mất ba ngày, quân đội Liên Xô mới thanh toán xong cụm tàn quân Đức này.[23]

Phía trước tập đoàn quân 31, quân đội Đức Quốc xã tiếp tục rút lui rất xa. Ngày 9 tháng 7, Quân đoàn bộ binh 71 tiến vào giải phóng thành phố Lida, một ngã tư đường sắt quan trọng giữa vùng đầm lầy ở thượng nguồn sông Niemen. Nhận thấy khoảng cách giữa cánh phải và cánh trái của Phương diện quân Byelorussia 3 ngày càng rộng hơn do Tập đoàn quân 5 và Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 đã dịch chuyển hướng tấn công lên phía Tây Bắc. Ngày 8 tháng 7, tướng I. D. Chernyakhovsky tung hai quân đoàn còn lại của Tập đoàn quân 11 vào địa đoạn thượng nguồn sông Niemen. Cùng thời điểm ngày 9 tháng 7, cánh trái của Tập đoàn quân đánh chiếm thị trấn Voronovo (Voranava). Ngày 10 tháng 7, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 3 bằng qua đầm lầy đánh chiếm Ostryna (Astryna). Ngày 11 tháng 7, Tập đoàn quân 31 đánh chiếm Druskyniskai (Druskininkai). Cùng ngày, Quân đoàn bộ binh cận vệ 16 chiếm nhà ga Varena. Từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 7, cả hai tập đoàn quân này đã chiến đấu quyết liệt để giành giật với Sư đoàn xe tăng 4 và các sư đoàn bộ binh 548, 549 (Đức) từng đầu càu trên sông Niemen. Sau một tuần giao tranh, ngày 19 tháng 7, Tập đoàn quân 31 đã chiếm được khu vực đầu cầu phía Đông Suvanky (Suwalki) và đưa toàn bộ Quân đoàn bộ binh 113 sang phía Tây sông Niemen. Tập đoàn quân cận vệ 11 cũnh đánh lui Sư đoàn xe tăng 4 (Đức), chiếm Alitus và thiết lập một đầu cầu nhỏ hơn tại khu vực này. Phòng tuyến sông Niemen của Tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức) bị chọc thủng.[22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Vilnius http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.ruf.rice.edu/~sarmatia/406/262choda.htm... http://books.google.lt/books?id=A4FlatJCro4C&pg=PA... http://old.kurier.lt/?r=16&a=2790 http://www.xxiamzius.lt/numeriai/2004/08/18/zvil_0... http://www.globalsecurity.org/intell/library/news/... http://ru.wikipedia.org/wiki/%D0%90%D1%80%D0%BC%D0... http://ru.wikipedia.org/wiki/%D0%A0%D0%B5%D0%B7%D0... http://ru.wikipedia.org/wiki/%D0%A0%D0%B5%D0%B7%D0... http://dic.academic.ru/pictures/sie/vil__nyuss_ope...